Măng tây xanh là một trong những sản phẩm OCOP, đặc thù của tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: TL. |
Phát triển sản phẩm OCOP đúng trọng tâm
Theo ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở NN-PTNT Ninh Thuận, trong 6 tháng đầu năm 2024, các địa phương tiếp tục rà soát, củng cố, kiện toàn ban phát triển sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc thù cấp huyện; đồng thời kiện toàn hội đồng đánh giá và xếp hạng sản phẩm OCOP cấp huyện để quản lý, điều hành công việc cùng tổ chức đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP định kỳ hàng năm.
Song song, các địa phương tích cực hỗ trợ các chủ thể phát triển sản phẩm OCOP mới và nâng hạng sản phẩm OCOP, xây dựng hồ sơ tham gia đánh giá sản phẩm OCOP; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phối hợp quảng bá du lịch gắn với quảng bá các sản phẩm OCOP của tỉnh.
Đối với dự án mô hình thí điểm phát triển sản phẩm OCOP về dịch vụ du lịch gắn với nâng cao vai trò tổ chức quản lý cộng đồng tại thôn Cầu Gẫy thuộc xã Vĩnh Hải (huyện Ninh Hải) thuộc chương trình OCOP hiện đang rà soát, điều chỉnh vị trí và phương án thiết kế một số công trình theo chỉ đạo của UBND tỉnh Ninh Thuận.
Ngoài ra, căn cứ vào điều kiện thực tế của địa phương, các huyện đã chủ động xây dựng đề án, kế hoạch xây dựng nông thôn mới gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, làng có nghề, văn hóa.
Ví như hỗ trợ xây dựng nhà sàn, nhà vệ sinh, cải tạo cảnh quan môi trường; mở các lớp tập huấn và truyền dạy Mã La, xây dựng các đội văn nghệ, tổ chức giao lưu văn hóa, mua sắm trang phục truyền thống Raglai cho đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng các clip truyền thông nhằm quảng bá, giới thiệu về du lịch cộng đồng tại địa phương.
Nho là sản phẩm đặc thù của Ninh Thuận được ngành nông nghiệp phát triển sản phẩm OCOP. Ảnh: PC. |
“Đối với mô hình thí điểm phát triển du lịch nông thôn gắn với du lịch vườn cây ăn trái tại xã Lâm Sơn, huyện Ninh Sơn được thực hiện theo Quyết định1386 của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đang được chủ đầu tư hoàn thiện lại theo yêu cầu của hội đồng thẩm định liên ngành của tỉnh. Từ nay đến cuối năm 2024, chúng tôi tiếp tục thực hiện các chương trình OCOP, chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, phát triển du lịch nông thôn…”, ông Đặng Kim Cương cho hay.
Hướng đến nông thôn thông minh
Hiện nay, Ninh Thuận đang đẩy mạnh chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021-2025. Theo đó, các ngành, các cấp ở Ninh Thuận đã tập trung phát triển, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng số, chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn.
Tăng cường xây dựng cơ sở vật chất cho hệ thống thông tin và truyền thông cơ sở. Ưu tiên phát triển, nâng cấp các đài truyền thanh xã có cụm loa hoạt động đến thôn và tăng cường phương tiện sản xuất các sản phẩm thông tin, tuyên truyền cho cơ sở truyền thanh cấp huyện; phát triển và duy trì các điểm cung cấp dịch vụ bưu chính.
Tỉnh Ninh Thuận đang hướng tới xây dựng nông thôn mới theo chiều sâu. Ảnh: PC. |
Ông Đặng Kim Cương cho biết, hiện nay, 100% số xã ở Ninh Thuận đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành; phát triển thêm các điểm công cộng có Wifi miễn phí, nâng tỷ lệ giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính trên môi trường mạng.
“Triển khai mô hình thí điểm xã thương mại điện tử Phước Thuận theo danh mục phê duyệt của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, UBND huyện Ninh Phước đã chỉ đạo UBND xã Phước Thuận phối hợp cùng đơn vị tư vấn hoàn thiện hồ sơ trình huyện thẩm tra và trình hội đồng thẩm định liên ngành cấp tỉnh trong tháng 7/2024”, ông Đặng Kim Cương chia sẻ.
Để làm nền tảng trong xây dựng nông thôn mới, Ninh Thuận dồn lực phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội. Trong 6 tháng đầu năm 2024, từ nguồn vốn ngân sách Trung ương với hơn 65 tỷ đồng và ngân sách tỉnh hỗ trợ đối ứng thực hiện với gần 49 tỷ đồng, các ngành, các địa phương ở Ninh Thuận đã phân bổ, triển khai thực hiện đầu tư mới 20 công trình với tổng vốn đầu tư hơn 89 tỷ đồng; thực hiện 6 công trình chuyển tiếp với tổng nguồn vốn gần 8,5 tỷ đồng, đồng thời thanh toán 22 công trình đã hoàn thành với tổng nguồn vốn hơn 16 tỷ đồng.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, Ninh Thuận đã huy động hơn 690 tỷ đồng để thực hiện các chương trình trong xây dựng nông thôn mới. Trong đó, ngân sách trung ương hơn 88 tỷ đồng, ngân sách địa phương gần 79,5 tỷ đồng, vốn lồng ghép hơn 272 tỷ đồng, vốn tín dụng 238 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp hơn 1,8 tỷ đồng, cộng đồng dân cư đóng góp hơn 2,5 tỷ đồng, vốn khác hơn 8 tỷ đồng.
“Ngoài nguồn vốn trung ương phân bổ trực tiếp cho chương trình, các địa phương đã lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình MTQG, nguồn vốn các chương trình, dự án khác trên địa bàn để hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn; huy động người dân đóng góp tiền, ngày công, hiến đất… để xây dựng nông thôn mới”, ông Đặng Kim Cương cho hay.
Phương Chi
Đăng nhận xét