Ninh Thuận trở thành vùng nuôi cừu lớn nhất cả nước, phế phẩm nông sản trở thành thức ăn cho cừu - Ảnh: M.V. |
Nhưng ông không thấy con đường nào cho mình bởi trước mắt ông chỉ toàn cát và nắng. Một cơn gió cuốn qua, cát bay mù trời. Mắt người đàn ông người Chăm giàn giụa nước…
Học làm nông kiểu Israel
Đó là ký ức hơn 10 năm trước của ông Hùng Ky (chủ tịch Hợp tác xã Tuấn Tú, xã An Hải, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận). Ông bảo nỗ lực cỡ nào thì cũng không thể làm giàu được trên cát giữa trời nắng như đốt. An Hải cát nhiều hơn đất.
Ông đi chăn bò thuê để nuôi gia đình. Những người Chăm ở An Hải số phận cũng không khác ông Hùng Ky: đi làm mướn cho người ven biển hoặc bỏ xứ.
Nhưng rồi sau đó, đập nước Tuấn Tú được xây dựng lên. Một lượng nước tương đối nhỏ được điều tiết quanh năm. Ông Hùng Ky cùng bà con An Hải chọn măng tây là cây chịu hạn tốt để tận dụng nguồn nước quý như vàng này. Chỉ sau 5 năm, An Hải trở thành một trong những vùng măng tây lớn nhất của Ninh Thuận, cung cấp cho cả nước.
Hiện nay toàn bộ măng tây của bà con người Chăm ở An Hải làm ra bao nhiêu được mua hết bấy nhiêu. Mỗi sáng, đúng 9h, một chiếc xe tải sẽ ghé sân Hợp tác xã Tuấn Tú để đón hàng chở đi TP.HCM.
"Từ trên cao nhìn xuống An Hải ít thấy màu cát trắng. Màu xanh măng tây phủ suốt năm suốt tháng. Cảnh đẹp nhất ở đất này là vào sáng sớm. Những người trong làng rộn ràng cắt măng, rửa sạch, bó thành từng bó nhỏ chở ra hợp tác xã", ông Hùng Ky nói.
Ông không quên khoe rằng giá măng tây của Hợp tác xã Tuấn Tú ổn định suốt năm. Bà con ở đây có thể thu lãi 400 - 500 triệu đồng/ha/năm, cao gấp 3 - 4 lần so với cây rau màu khác trên cùng diện tích.
Tất cả nhà vườn đều lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt giống nông dân Đà Lạt để tiết kiệm nước. Ông Hùng Ky bảo: "Không phải chúng tôi bắt chước cách làm nông của Đà Lạt đâu. Xứ nóng bắt chước xứ lạnh thế nào được. Bọn tôi học theo dân Israel, tập tành làm nông thích ứng với khí hậu, tiết kiệm nước, ráng làm sao để cát mọc rau".
Tại vùng trồng nho xã Vĩnh Hải (huyện Ninh Hải), đến nay gần như toàn bộ diện tích 200ha nho được các nhà vườn, trang trại lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm. Ông Nguyễn Văn Trai ở thôn Thái An cho biết hệ thống tưới phun mưa giúp duy trì hơi ẩm trên mặt đất và giúp dễ phân phối nước cho cả năm, tránh việc đến mùa hạn thì cạn sạch nước.
Ông Đặng Kim Cương - giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận - cho biết tỉnh đang hoàn thiện quy trình tưới nước tiết kiệm trên các loại cây như nho, táo, rau màu, hành, tỏi, măng tây xanh, dưa lưới, cỏ chăn nuôi...
"Chúng tôi và bà con cố gắng để đất cát Ninh Thuận thành vùng nông nghiệp thích ứng khí hậu và ứng dụng công nghệ cao. Làm nông không dễ, làm nông trên cát càng khó. May mắn bà con nông dân ở các vùng hạn Ninh Thuận chịu khó ứng dụng những phương pháp mới để có hiệu quả cao", ông Cương nói.
Nhiều vùng cát ở Ninh Thuận giờ đã được phủ xanh măng tây - Ảnh: M.V. |
Có nước chảy vào vườn như vàng chảy vào nhà.
Ông Nguyễn Văn Bính (trưởng Phòng thủy lợi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Thuận)
Mạch vàng ở "tiểu sa mạc" Ninh Thuận
Vùng cát trắng bay Ninh Thuận chưa thôi những cơn khát nhưng đã bớt quay quắt. Quá trình sa mạc hóa vẫn tiếp diễn và ngày càng khốc liệt hơn theo đà biến đổi khí hậu.
Trao đổi bên lề tại buổi làm việc với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) diễn ra mới đây, ông Trần Quốc Nam - chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận - chia sẻ: "Nắng như rang, gió như phang sẽ còn là "đặc sản" của Ninh Thuận. Không khác được, nhưng người dân Ninh Thuận ngày sau sẽ khác, làm giàu ngay trên những đồi cát".
Chia sẻ của ông Nam có cơ sở. Tính đến năm 2024, lượng nước dự trữ ở các hồ chứa trên toàn tỉnh đã tăng gấp đôi (414 triệu m3) so với năm 2020.
Nếu lượng nước trong các hồ chứa suy giảm, nguồn dự phòng từ hồ Đa Nhim (huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng) sẽ được huy động. Hệ thống dẫn nước thủy lợi đến những vùng hạn nghiêm trọng nhất như huyện Thuận Nam, Ninh Phước, Ninh Hải… đang được hoàn thiện.
Ông Đặng Kim Cương cho biết: "Thời gian qua, tỉnh Ninh Thuận đã mạnh dạn xin cơ chế vay ADB đầu tư 5 dự án với tổng vốn 1.350 tỉ đồng. Gần như toàn bộ vốn vay ưu đãi tỉnh đều đầu tư vào hạ tầng thủy lợi.
Trước khi đầu tư vào hệ thống thủy lợi, nhiều vùng của Ninh Thuận có nước nhưng không sử dụng hết, còn nhiều nơi khát khô, hạn cháy. Giờ thì khác, nước được phân phối đều theo mùa vụ của nông dân".
Ông Nguyễn Văn Bính - trưởng Phòng thủy lợi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Thuận - mô tả: "Ở Ninh Thuận, nhất là vùng ven biển, lượng mưa mỗi năm chỉ có 800mm nhưng thời gian nắng lại lên đến 2.870 giờ/năm.
Thời gian nắng nói trên thổi bay được 1.600mm nước, gấp đôi lượng mưa, nên có thể nhận định mưa không có giá trị nhiều lắm với chuyện làm nông của bà con. Chưa kể, ở những vùng hạn của Ninh Thuận, khoan giếng cũng không tìm được nước ngọt. Do vậy, người làm nông Ninh Thuận trông cậy hết vô chuyện điều tiết nước thủy lợi".
Theo UBND tỉnh Ninh Thuận, địa phương tiếp tục hợp tác với ADB phát triển hệ thống thủy lợi Tân Mỹ với mục tiêu đưa vùng đất khô hạn Phước Nhơn - Thành Sơn, Nhơn Hải - Thanh Hải thành vùng sản xuất nông nghiệp chất lượng cao.
Người Chăm làm nông nghiệp công nghệ cao
Ông Trịnh Minh Hoàng - phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận - nhận định trong nhiều năm qua đồng bào người Chăm ở Ninh Thuận là điểm sáng trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao, chống hạn để thoát nghèo hiệu quả.
Ngoài chọn cây măng tây làm cây chủ lực và đang đi dần theo hướng sản xuất quy mô cánh đồng lớn thì bà con còn xây dựng vùng trồng mía, bắp lai, bưởi da xanh, mãng cầu…
Cạnh đó, bà con còn phát triển đàn gia súc có sừng theo hướng lấy thịt. Đa số vùng nông sản của người Chăm đều đạt những tiêu chuẩn sản xuất chất lượng cao như VietGAP. Sắp tới hệ thống tiếp nước hồ Bầu Zôn (nơi đông người Chăm làm nông) hoàn thành thì cánh đồng lớn sẽ không còn là ước mơ.
Đăng nhận xét