Phan Rang – Tháp Chàm: Thành tựu từ dự án cải tạo môi trường

Yêu Ninh Thuận 09/12/2024
(YNT) Dự án Môi trường bền vững tại Ninh Thuận cải thiện hạ tầng, bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống và ứng phó biến đổi khí hậu.

Sau gần 7 năm triển khai, Dự án Môi trường bền vững các thành phố duyên hải – Tiểu dự án thành phố Phan Rang – Tháp Chàm đã chính thức về đích, với các hạng mục đạt tiêu chuẩn chất lượng cao và hướng đến mục tiêu dài hạn về phát triển gắn với bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu.

Tuyến kênh Nhị Phước thuộc Dự án Môi trường bền vững các thành phố Duyên hải – Tiểu dự án thành phố Phan Rang – Tháp Chàm, Ninh Thuận
Tuyến kênh Nhị Phước thuộc Dự án Môi trường bền vững các thành phố Duyên hải – Tiểu dự án thành phố Phan Rang – Tháp Chàm, Ninh Thuận.

Điều quan trọng hiện nay là công tác quản lý, khai thác và bảo vệ những hạng mục này để đảm bảo hiệu quả lâu dài sau đầu tư.

Thành quả sau 7 năm triển khai

Dự án đã hoàn thành 16,2 km tuyến kè và kênh, nâng cấp 82,5 km cống thoát nước thải, cải tạo nhà máy xử lý nước thải từ 5.000 m³/ngày đêm lên 7.500 m³/ngày đêm. Toàn bộ hệ thống được thiết kế đáp ứng các kịch bản về biến đổi khí hậu trong ít nhất 50 năm tới. Kết quả, tình trạng ngập úng kéo dài tại thành phố Phan Rang – Tháp Chàm đã chấm dứt.

Bà Nguyễn Thị Hoa, cư dân khu phố 1, phường Phủ Hà, chia sẻ: "Trước đây chỉ cần vài đợt mưa nhỏ là khu vực này bị ngập úng, nhưng từ khi dự án hoàn thành, môi trường đã sạch sẽ và không còn ngập nữa. Chúng tôi rất an tâm để sinh sống và làm ăn."

Trạm xử lý nước thải thành phố Phan Rang – Tháp Chàm có công suất 7.500 m3/ngày đêm
Trạm xử lý nước thải thành phố Phan Rang – Tháp Chàm có công suất 7.500 m3/ngày đêm
Trạm xử lý nước thải thành phố Phan Rang – Tháp Chàm có công suất 7.500 m3/ngày đêm.

Bài toán quản lý và bảo vệ công trình

Tuy nhiên, để các hạng mục phát huy hiệu quả lâu dài, công tác quản lý và bảo vệ hệ thống đang là vấn đề đáng lưu tâm. Hiện nay, một số hộ dân và cơ sở sản xuất chưa tuân thủ đúng quy định về đấu nối nước thải, gây ô nhiễm các dòng kênh.

Ông Nguyễn Quốc Huy, Giám đốc Ban Xây dựng năng lực và Thực hiện các dự án ODA ngành nước tỉnh Ninh Thuận, nhấn mạnh: "Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền và cơ quan chức năng để quản lý hiệu quả dự án, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường."

Tầm nhìn tương lai

Dự án không chỉ cải thiện cơ sở hạ tầng, mà còn tạo ra không gian phát triển mới, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho hàng chục ngàn người dân đô thị.

Quản lý tốt các hạng mục dự án còn giúp Ninh Thuận ghi điểm với các tổ chức quốc tế, mở ra cơ hội phát triển bền vững trong tương lai.