Dưa hấu, tre Tứ Quý và chiến lược thích ứng biến đổi khí hậu ở Ninh Thuận

Yêu Ninh Thuận 18/03/2025
Ninh Thuận vận động nông dân chuyển đổi cây trồng như dưa hấu, tre Tứ Quý để thích ứng với nắng hạn và tăng hiệu quả kinh tế.

Năm 2025, dự báo tình hình nắng nóng sẽ khắc nghiệt hơn, kéo dài so với nhiều năm trước, dẫn đến nguy cơ thiếu nước trầm trọng trong vụ Hè-Thu. Trước thách thức này, tỉnh Ninh Thuận đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, coi đây là giải pháp hữu hiệu để thích ứng với biến đổi khí hậu.

Nông dân xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, Ninh Thuận chủ đồng chuyển đất canh tác lúa sang trồng dưa hấu
Nông dân xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, Ninh Thuận chủ đồng chuyển đất canh tác lúa sang trồng dưa hấu. Ảnh: NTV.

Gia đình ông Nguyễn Thành Trương ở thôn La Chữ, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, đã chuyển đổi 5 ha đất lúa sang trồng dưa hấu do tình hình nguồn nước hồ Tân Giang đang cạn kiệt. Nhằm tiết kiệm nước tưới và giữ ẩm cho đất, ông Trương đã áp dụng mô hình trải bạt, giúp dưa hấu phát triển tốt trong điều kiện nắng hạn.

Ông Trương chia sẻ: "Trồng lúa bây giờ rủi ro cao vì chi phí đầu tư lớn hơn so với cây dưa hấu, chưa kể nguồn nước cũng thiếu thốn. Việc chuyển đổi sang cây trồng ngắn ngày như dưa hấu đã giúp gia đình tôi có thu nhập ổn định hơn."

Tại xã Phước Hữu, nhiều nông dân đã tự chủ động chuyển đổi cây trồng để giảm thiểu thiệt hại do nắng hạn kéo dài. Điển hình như anh Hán Văn Thiệu ở thôn Thành Đức đã chuyển diện tích trồng lúa gần hồ Bầu Zôn sang trồng tre Tứ Quý. Sau 8 tháng, anh đã thu hoạch lứa măng đầu tiên với sản lượng và giá trị kinh tế ấn tượng, giúp gia đình anh tăng thu nhập đều đặn.

Theo các cơ quan chức năng, việc chuyển đổi từ trồng lúa sang các loại cây ngắn ngày không chỉ giúp giảm thiểu thiệt hại do biến đổi khí hậu mà còn mang lại lợi nhuận cao hơn từ 1-5 lần. Cây táo có thể cho lợi nhuận gấp 15,6 lần, nho gấp 16,8 lần, và măng tây xanh gấp 21,6 lần so với trồng lúa.

Để tiếp tục khuyến khích nông dân chuyển đổi cây trồng hiệu quả, tỉnh Ninh Thuận đang huy động các nguồn lực hỗ trợ, tập trung đầu tư hạ tầng nông nghiệp, xây dựng thương hiệu, gắn kết với sản xuất công nghệ cao. Dự kiến, đến cuối năm 2025, toàn tỉnh sẽ chuyển đổi khoảng 3.200 ha, trong đó hơn 1.500 ha đất lúa và khoảng 1.600 ha đất màu.